Okinawa là một quần đảo ở giữa Nhật Bản và Trung Quốc, không quá xa Đài Loan.
Ở Okinawa, người dân thường sống lâu đến độ tuổi 90 mà không mắc những bệnh lý nghiêm trọng, giữ được sự tự chủ và mức độ hạnh phúc cao. Hiện tượng này đã thu hút các nhà khoa học và khiến họ thắc mắc tại sao người dân ở Okinawa lại sống thọ hơn, vui hơn và khoẻ hơn những người khác trên thế giới.
Các nhà khoa học đã đặt câu hỏi liệu tuổi thọ sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn hay tập luyện. Tuy nhiên, câu trả lời dứt khoát là không. Thay vào đó, họ đã phát hiện ra một nguyên nhân đơn giản, cơ bản hơn bất kỳ lý thuyết khoa học nào. Nguyên nhân cho tuổi thọ của họ nằm ở một khái niệm có tên gọi là “Ikigai”, nghĩa là “mục đích sống”, hay “lý do thức giấc”.
Tìm ra ikigai của bạn sẽ bao gồm việc khám phá ra đam mê và sức mạnh của bản thân, điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, đảm bảo sự bền vững về mặt tài chính. Nó là sự giao nhau giữa thứ bạn yêu thích, thứ thế giới cần và thứ bạn có thể được chi trả. Điều này đã khiến tôi hứng thú với văn hoá Nhật Bản và phương pháp của họ để có một đời sống tốt hơn.
Vậy nên, hãy để tôi chia sẻ cho bạn năm phương pháp nữa tôi đã học được từ văn hoá người Nhật.
- Wabi Sabi: Tìm Kiếm Vẻ Đẹp Trong Sự Không Hoàn Hảo
Tìm sự bình yên trong điều không hoàn hảo và nhận biết rằng không có gì là hoàn hảo, kể cả bản thân bạn.
Wabi Sabi là một khái niệm triết học tìm kiếm vẻ đẹp ở điều không hoàn hảo, sự vô thường và tính giản dị. Nếu bạn là một người cầu toàn đang nỗ lực đạt được 100% của sự hoàn mỹ, khái niệm này là dành cho bạn. Nó giúp bạn đón nhận vòng đời từ khi sinh ra đến khi chết đi, biết rằng không có gì là hoàn toàn đúng.
Ý tưởng này tạo nên một sự khác biệt lớn cho tôi, một người cha của hai đứa trẻ. Dù tôi đã dọn dẹp ngôi nhà sạch sẽ đến đâu, nó cũng sẽ nhanh chóng lộn xộn trở lại. Thay vì trở nên bực bội với con, tôi học cách đón nhận sự bất toàn của thế giới.
Điều này có lẽ là đầy thách thức để chấp nhận, đặc biệt là trong một văn hoá coi trọng việc theo đuổi hạnh phúc, sự cầu toàn và tính bền vững, thứ thường xuyên dẫn đến sự bất mãn đối với nhiều người ở Hoa Kỳ.
Do đó, áp dụng triết lý Wabi Sabi sẽ giúp bạn khi trưởng thành vì nó thúc đẩy một mối liên kết sâu sắc hơn với thiên nhiên và một cách tiếp cận có ý thức trong cuộc sống hằng ngày, khuyến khích bạn tìm thấy sự bình yên và hài lòng trong những điều ngắn ngủi và không hoàn hảo.
- Hara Hachi Bu: Hãy Ngừng Ăn Trước Khi Bạn Cảm Thấy No Hoàn Toàn.
Hara Hachi Bu là một thói quen ăn uống mà người ta ngừng ăn khi cảm thấy đã no tầm 80%.
Tôi từng ăn quá mức cho đến khi cảm thấy no căng. Thực hành Hara Hachi Bu đã giúp tôi cảm thấy tốt hơn, giữ tập trung và năng suất hơn. Phương pháp này đã cho phép tôi tiếp cận từng bữa ăn với một tâm thế ăn uống tỉnh thức, ngăn chặn tôi ăn quá no. Kết quả là tôi đã cảm thấy việc tiêu hoá được tốt hơn và đã dần giảm cân.
Để luyện tập phương pháp này, bạn phải ăn chậm, thưởng thức từng miếng ăn, và lắng nghe cơ thể của bạn. Làm vậy sẽ dạy cho bạn cách ngừng ăn trước khi no hoàn toàn. Nguyên tắc này không chỉ khiến bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng nó còn kéo dài tuổi thọ của bạn và giúp bạn giữ dáng, khiến bạn tránh được những bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Việc áp dụng nguyên tắc Hara Hachi Bu có thể thúc đẩy một mối liên hệ lành mạnh hơn đối với thực phẩm, nhấn mạnh sự điều độ và cân bằng trong thói quen ăn uống hằng ngày, và cuối cùng hỗ trợ sức khoẻ và sự an lành lâu dài.
- Shoshin: Tâm Trí Của Người Mới Bắt Đầu
Shoshin là một khái niệm khuyến khích bạn tiếp cận mọi thứ với một “tâm trí của người mới.”
Bạn đã từng phải huấn luyện cho một nhân viên nghĩ rằng họ đã biết tất cả mọi thứ chưa? Tôi đã từng. Tôi đã tuyển một nhân viên tiếp cận những công việc như họ đã biết hết và từ chối lắng nghe những góp ý từ tôi. Sau một vài ngày, tôi đã để anh ta đi bởi vì tư duy hạn hẹp, cố định ấy đã cản trở khả năng học hỏi điều mới và thích nghi với văn hoá của công ty chúng tôi.
Tôi ước nhân viên này đã biết đến khái niệm “Shoshin” của người Nhật. Nếu anh ta biết, anh ta đã tiếp cận từng nhiệm vụ với một thái độ cởi mở và nhiệt thành.
Đối mặt với mọi thứ bằng một tư duy của người mới sẽ giúp bạn giữ tính sáng tạo, cải tiến và sự tò mò. Nó sẽ mở ra cho bạn nhiều ý tưởng và trải nghiệm mới. Nó có nghĩa là bạn cần phải hướng đến từng khoảnh khắc như một cơ hội để phát triển, bất kể những ý niệm định trước hoặc kiến thức trước đây của bạn.
- Kakeibo: Lập Ngân Sách Và Tuân Thủ Nó
Khi tình hình tài chính của bạn đang ổn định, bạn sẽ cảm thấy đỡ căng thẳng và tập trung hơn vào những gì quan trọng, nên hãy tạo một ngân sách và tuân thủ nó.
Khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi đã thiếu kỹ năng quản lý ngân sách cơ bản. Tôi đã bỏ qua việc theo dõi chi tiêu của mình, không để ý những khoản thanh toán quá hạn và không tiết kiệm. Cho đến khi tôi gặp một người đàn ông lớn tuổi hơn ở IHOP, người đã dạy cho tôi về Kakeibo. Ông ấy đã dạy tôi quản lý ngân sách tốt hơn và theo dõi thói quen chi tiêu của mình. Từ đó tôi đã khá hơn về mặt tài chính và cảm thấy tốt hơn về cuộc sống.
Thực hành phương pháp Kakeibo ép bạn phải ghi chép lại chi phí lẫn thu nhập sao cho bạn có thể theo dõi mô hình chi tiêu của mình. Nó khuyến khích bạn xem xét lại tiền bạc của mình trong bốn hạng mục sau: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và cho đi.
Áp dụng nguyên tắc này có thể thật sự thay đổi cuộc đời bạn.
Hãy thử làm theo phương pháp này; cuộc sống của bạn sẽ không còn như trước.
- Kaizen: Tập Trung Vào Những Cải Thiện Nhỏ Mỗi Ngày.
Bạn không cần phải hoàn tất mọi thứ trong một ngày. Hãy tập trung vào việc tạo ra những cải thiện nhỏ, rồi bạn sẽ thành công trong đời.
Khi con trai tôi ở bệnh viện, nó đã có một người y tá tuyệt vời tên là Carla. Cô ấy đã rất giỏi trong công việc của mình đến mức tôi phải hỏi cô ấy đã làm thế nào. Cô ấy nói: “Tôi tin vào việc ngày hôm nay giỏi hơn ngày hôm qua 1%.”
Ví dụ, cô ấy không làm hết tất cả công việc giấy tờ một lúc. Thay vào đó cô ấy tập trung vào sắp xếp mỗi ngày một kệ. Cô ấy đã tiếp cận mọi thứ với một tâm trí của người mới và một tư duy trong việc tạo ra những cải tiến nhỏ, điều mà dẫn dắt cô ấy kể cho tôi nghe về Kaizen.
Carla sau đó đã chỉ cho tôi về triết lý Nhật Bản nhấn mạnh vào việc tạo ra thay đổi nhỏ, tăng dần này để đạt được hiệu suất và chất lượng. Càng có ý nghĩa hơn khi tôi biết được từ tiếng nhật “kai” và “zen” được dịch là “thay đổi để tốt hơn”.
“Thay đổi để tốt hơn” chính là thứ mà những khái niệm Nhật Bản này đã giúp tôi. Bạn có thể chia sẻ khái niệm yêu thích của bạn không?
—————
Tác giả: Luay Rahil
Link bài gốc: 5 Japanese Techniques to Overcome Laziness
Dịch giả: Nguyễn Xuân Kỳ Duyên – ToMo – Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Giả: Nguyễn Xuân Kỳ Duyên – Nguồn: ToMo – Learn Something New“. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo ToMo” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo – Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
Để lại một bình luận